Thứ bảy, 20/04/2024 - 10:15|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Thanh X

NGHỊ LỰC PHI THƯỜNG CỦA CẬU HỌC TRÒ KHUYẾT TẬT

Khi nói đến những tấm gương vượt khó, hiếu học ở huyện Thanh Ba tỉnh Phú Thọ thầy cô, bạn bè và nhân dân đều nhắc đến cái tên Nguyễn Ngọc Thương. Có lẽ tên gọi của em cũng đã gợi bao nỗi niềm xúc cảm cho chúng ta.

          Nguyễn Ngọc Thương được sinh ra trong gia đình nông dân nghèo tại xã Đông Lĩnh – huyện Thanh Ba – tỉnh Phú Thọ. Ngay khi lọt lòng, Thương đã bị khuyết tật ở chân – một căn bệnh tàn ác của chất độc màu da cam do chiến tranh để lại. Bất hạnh chồng lên bất hạnh khi người cha của em qua đời lúc em vừa 21 tháng tuổi và sau đó mẹ em do không chịu nổi nỗi đau mất chồng, con khuyết tật nên cũng bỏ đi biệt tích. Thương lớn lên trong sự chăm sóc tận tình của ông bà nội. Cậu bé Thương rồi cũng đến tuổi đi học. Vượt qua bao vất vả, ông bà của Thương quyết tâm cho em đến trường dù phải học muộn hơn các bạn cùng trang lứa. Nhìn đôi mắt sáng, nụ cười tươi của cháu mà ông bà quên cả nhọc nhằn để hằng ngày chăm sóc, đưa Thương đến trường.

Thương cùng cô giáo và các bạn ngày còn học Trung học phổ thông Thanh Ba

      Hết bậc tiểu học Thương được Trung tâm bảo trợ trẻ em huyện Thanh Ba đón về nuôi dưỡng và em tiếp tục theo học trường THCS1 Thị trấn Thanh Ba vì xã Đông Lĩnh quê em không có trường trung học cơ sở. Trong suốt những năm học THCS, Thương luôn vượt lên những khó khăn, em không bao giờ nản chí hay bi quan về hoàn cảnh của mình. Thương luôn đạt học sinh tiên tiến và học sinh giỏi. Em đặc biệt yêu thích môn lịch sử và mơ ước trở thành nhà sử học trong tương lai. Cậu bé Thương cũng rất yêu thích đọc sách, em đã kêu gọi, cùng các bạn quyên góp xây dựng một tủ sách để các bạn cùng đọc. Năm 2018 – chương trình chuyển động 24 giờ của VTV1 đã về trường và đưa tin về hoạt động hữu ích này của Thương và các bạn.

          Năm học lớp 9 – Thương học tốt các môn học và được tuyển vào trường trung học phổ thông Thanh Ba. Những ngày đầu vào học trung học phổ thông, trước một môi trường mới, em không khỏi bỡ ngỡ, lúng túng. Bao những khó khăn khi chuyển cấp tưởng chừng như không thể vượt qua: Kiến thức ngày một khó, khả năng viết của em rất chậm, luôn phải hỏi lại thầy cô, không viết kịp em luôn phải mượn vở của bạn về chép…rồi việc đi lại từ trường về trung tâm bảo trợ luôn phải có người đưa đón, giúp đỡ, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng với lòng kiên trì, sự quyết tâm và khát khao học tập mãnh liệt, Thương đã kết thúc lớp 10 với kết quả đạt học sinh tiên tiến. Sau năm học lớp 10 người ông thân yêu của em đột ngột qua đời vì căn bệnh quái ác. Bà em lại bị bệnh cao huyết áp nên Thương xin trung tâm bảo trợ cho mình được về nhà ở cùng bà tại xã Đông Lĩnh để có thời gian quan tâm, bên cạnh bà lúc đau ốm. Khó khăn lại tăng lên khi hàng ngày chú phải đưa em đi học bằng xe máy hơn 10km mỗi lượt, việc ngồi xe của em rất khó khăn nhất là những ngày mưa gió. Xe buýt đưa đón học sinh thì cách nhà em 2km mà lúc lên xuống phải có người khiêng xe lăn rất bất tiện nên em đành cùng chú đồng hành suốt 2 năm đi học bằng xe máy. May mắn cho em là ở trường, em được thầy cô và các bạn quan tâm chăm sóc, giúp đỡ khi em học tập cũng như trong sinh hoạt. Những giờ ngoại khoá, các bạn cũng đưa em ra sân hoà đồng cùng tập thể.

Kết thúc trung học phổ thông, Thương được miễn thi tốt nghiệp và với học bạ 3 năm là học sinh tiên tiến em được trường đại học Hùng Vương xét trúng tuyển vào học khoa chính trị và tâm lý giáo dục ngành công tác xã hội, ước mơ cháy bỏng của em từ thời thơ ấu đã dần trở thành hiện thực. Bằng nghị lực to lớn và sự quan tâm giúp đỡ của các tổ chức, các nhà hảo tâm với những xuất học bổng, những nguồn tài trợ đã tiếp thêm sức mạnh đã chắp cánh cho cậu học trò khuyết tật trở thành sinh viên đại học.

Thương và các bạn trong giờ giải lao

 Năm học 2020-2021, Thương là sinh viên năm nhất trường đại học Hùng Vương. Bước chân vào giảng đường Đại học, cuộc sống lại một lần nữa viết thêm những khó khăn, thử thách cậu học trò có nghị lực phi thường ấy, đó là chỗ trọ cần phải gần trường, đường xá bằng phẳng để có thể tự đi xe lăn đến giảng đường. Giảng đường nơi em học chưa có đường dành riêng cho người khuyết tật nên em phải nhờ các bạn khiêng xe lên cầu thang để lên lớp. Khổ nỗi lớp em đa số các bạn là nữ nên cũng nhiều lúc rất bất tiện, thương cháu, bà nội phải rời quê xuống ở trọ cùng em để giúp đỡ, tiếp thêm nghị lực sống trong em. Hai bà cháu sống tằn tiện bằng nguồn trợ cấp của nhà nước. Những khó khăn ấy không làm nhụt ý chí của cậu sinh viên khuyết tật, kết thúc năm học, Thương đã dành kết quả học tập cao nhất lớp, vinh dự được nhận học bổng trong trường Đại học- điều mà ngay cả những sinh viên có cơ thể lành lặn, khỏe mạnh, có đầy đủ vật chất trong gia đình hiếu học vẫn hằng mơ ước. Nhìn đôi mắt sáng, vầng trán cao thông minh và nụ cười lạc quan luôn nở trên môi, tôi thầm khâm phục chàng trai giàu nghị lực có tâm hồn trong sáng và ước mơ cao đẹp. Tôi hy vọng và tin tưởng về một tương lai tốt đẹp sẽ đến với em.

                                               Minh Hậu - Cán bộ Phòng GD&ĐT Thanh Ba

                                                                                                        Tháng 5/2021

Lượt xem: 6.641
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1
Hôm qua : 3
Tháng 04 : 53
Năm 2024 : 521